'Năm sau, lương tối thiểu phải tăng lên 3,4 triệu đồng' | |
Lộ trình tăng lương tối thiểu vùng sẽ phá sản nếu năm sau lương không đáp ứng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng. - Thưa ông, vì sao Tổng Liên đoàn đề nghị mức lương tối thiểu vùng I của người lao động vào năm 2015 phải ở mức 3,4 triệu đồng mỗi tháng? - Có nhiều lý do để chúng tôi đưa ra lương tối thiểu mỗi tháng vùng I của người lao động phải ở mức 3,4 triệu đồng, vùng II: 2,9 triệu đồng, vùng III: 2,6 triệu đồng và vùng IV: 2,3 triệu đồng. Nhưng lý do quan trọng nhất là kết quả khảo sát về mức sống tối thiểu của người lao động năm 2014 cho thấy, tiền lương tối thiểu vùng I mới đạt 67,6% mức sống tối thiểu; tương tự vùng II đạt 70,1%; vùng III đạt 70,6% và vùng IV cũng mới đạt 76,6%.
Ông Đặng Ngọc Tùng:" Phải tăng lương tối thiểu để đáp ứng nhu cầu sống của người lao động". Ảnh: Trường Giang. Thu nhập của người lao động còn thấp, trong khi giá sinh hoạt ngày càng tăng. Điều đó khiến tiền lương thực tế có xu hướng giảm, đời sống người lao động càng khó khăn hơn. - Lộ trình tăng tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động đến năm 2017 đã được xây dựng. Ông đánh giá thế nào về lộ trình này nếu đề xuất của TLĐLD không được chấp thuận? - Kết luận số 23-KL/TW của Trung ương về lộ trình "Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu" là căn cứ quan trọng để thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Thực tế cho thấy, tình hình kinh tế xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó dự báo trước. Do đó, không thể thực hiện tiền lương tối thiểu vùng đạt mức nhu cầu tối thiểu vào năm 2015. Tôi cho rằng, từ nay đến năm 2017 cần có lộ trình để thực hiện. Lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ năm 2015 đến 2017 như sau: Năm 2015: Phương án I đạt 80%, Phương án II đạt 83% nhu cầu sống tối thiểu vùng; tương tự năm 2016 đạt 90% và năm 2017 đạt 100%. Nếu trong năm 2015, chúng ta không tăng lương tối thiểu vùng đạt được ở mức như phương án I (80%), thì năm 2017 không thể đạt được ở mức 100% - nghĩa là đạt mục tiêu lương phải đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Điều đó cũng có nghĩa lộ trình tăng tiền lương tối thiểu vùng sẽ “phá sản”. - Người công nhân hầu như chỉ có duy nhất nguồn sống từ lương, nếu không quy định tăng mức lương tối thiểu hợp lý, cuộc sống của họ sẽ như thế nào? - Nghị định số 182/2013 của Chính phủ quy định từ 1/1/2014 mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau: Mức 2.700.000 đồng mỗi tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 2.400.000 đồng áp dụng đối với vùng II; Còn vùng III và vùng IV lần lượt là 2.100.000 đồng và 1.900.000 đồng. - Lương công nhân tăng sẽ tăng sức mua, tuy nhiên giá cả cũng có thể sẽ tăng theo. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào? - Vấn đề kích cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sức khỏe của nền kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp… Nhưng, tôi cho rằng, việc người lao động có thu nhập cao cũng là một yếu tố góp phần tăng sức mua. Và ở mức độ nào đó, điều này có lợi cho tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy vậy, thường thì lương tăng thì giá lại tăng. Cho nên, việc tăng lương cần phải song hành với kiềm chế, kiểm soát được lạm phát. Đừng để lương chưa tăng mà giá đã tăng. Tóm lại, quan điểm của Tổng LĐLĐVN về tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là thực hiện theo đúng Điều 90, 91 của Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được quốc hội thông qua. Và căn cứ vào các quy định này, chúng ta cần phải thực hiện đúng lộ trình tăng lương tối thiểu, phải làm cho tiền lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ vào năm 2017.
|