Tư vấn miễn phí
Bảo mật thông tin cho doanh nghiệp
Hỏi đáp trực tuyến
Người hỏi: Mỹ Duyên
Câu hỏi: Xác định giá giao dịch liên kết (cho mục đích xác định nghĩa vụ thuế) là gì?
Doanh nghiệp có các giao dịch với các bên không có quan hệ liên kết (hay còn gọi là bên độc lập) và các giao dịch với các bên liên kết (hay còn gọi là giao dịch liên kết) (Xem định nghĩa về các loại giao dịch này trong Điều 5, Nghị định 132/2020/NĐ-CP).
Do đặc thù của các giao dịch với các bên liên kết, doanh nghiệp có thể tự lựa chọn mức giá giao dịch vì vậy các doanh nghiệp sẽ có xu hướng lựa chọn mức giá mà họ cho là sẽ giúp họ tối thiểu hóa số thuế phải nộp của tất cả các bên liên kết nhờ vào sự chênh lệch mức thuế suất của các bên liên kết.
Vì vấn đề này, để không bị xói mòn thuế, các quy định thuế thường sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết theo mẫu quy định và loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện. Nói theo cách khác, doanh nghiệp phải xác định giá của các giao dịch liên kết theo hướng tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện, sau đó lấy đó làm cơ sở thực hiện các điều chỉnh phù hợp (nếu có các chênh lệch) đối với mức giá được thể hiện trên các chứng từ giao dịch chính thức để tính thuế. Nếu doanh nghiệp chứng minh được mức giá giao dịch nằm trong phạm vi của mức giá của các giao dịch độc lập thì sẽ không có điều chỉnh gì thêm, do đó không làm phát sinh thêm số thuế phải nộp. Vì vậy, các doanh nghiệp thường sẽ cố gắng xây dựng hồ sơ và chính sách giá với các bên liên kết sao cho tối ưu nghĩa vụ thuế nhất trong khi vẫn chứng minh được sự tương đương với các giao dịch độc lập để không bị rơi vào tình huống phát sinh các khoản tiền phạt và tiền thuế phát sinh thêm ngoài dự tính.
Mặc dù có các quy định như trên, trong nhiều trường hợp trên thực tế cả doanh nghiệp và cơ quan thuế cũng không dễ dàng thống nhất được quan điểm về mức giá giao dịch độc lập tương đương do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và điều kiện liên quan. Cả hai bên đều cố gắng tối đa bảo vệ lợi ích của mình.
Lưu ý:
- Các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết được trình bày trong Điều 13,14,15 của Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
- Nghĩa vụ thuế liên quan đến giao dịch liên kết, hiện nay, mới chỉ bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp. Các quy định liên quan chưa đề cập đến các loại thuế khác.
Người hỏi: Thảo Nguyên
Câu hỏi: Chuyển giá là gì? Chuyển giá có vi phạm pháp luật?
“Chuyển giá” không được định nghĩa rõ ràng trong các quy định liên quan, tuy nhiên, căn cứ vào các ngữ cảnh liên quan thì “chuyển giá” được hiểu là hành vi cố tình không kê khai hoặc kê khai giá của các giao dịch liên kết theo hướng không tương đương với giao dịch độc lập để trốn, tránh thuế.
Với cách hiểu như trên thì “chuyển giá” là hành vi vi phạm pháp luật thuế, và do đó nếu bị phát hiện sẽ phải chịu mức thuế theo hình thức ấn định thuế bởi cơ quan thuế (Xem điều 20 của Nghị định 132/2020/NĐ-CP).
Người hỏi: Anh Thư
Câu hỏi: Những cách thức chuyển giá phổ biến?
- Nâng giá tài sản cố định khi góp vốn đầu tư : Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp trong nước (doanh nghiệp FDI) bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên cao hơn nhiều so với giá trị thực. Bằng việc tính giá tài sản cố định cao hơn thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã nâng khống số vốn góp, gây thất thu cho ngân sách; đồng thời số khấu hao tài sản cố định tăng lên tương ứng làm tăng giá thành sản phẩm dẫn đến giảm lãi hoặc bị lỗ, do đó doanh nghiệp chỉ cần nộp ít hoặc không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) ở Việt Nam.
- Nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu: Doanh nghiệp FDI nhập mua nguyên vật liệu từ các bên có quan hệ liên kết với mức giá cao hơn mức giá thị trường, làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, từ đó làm giảm lãi hoặc bị lỗ.
- Nhận chuyển giao tài sản vô hình/ dịch vụ: Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các công ty con thường chuyển giao một số tài sản vô hình/ cung cấp một số dịch vụ như: chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, cung cấp dịch vụ quản lý chung, hỗ trợ mua hàng, kiểm định chất lượng, hỗ trợ công nghệ thông tin…Doanh nghiệp FDI có thể thực hiện chuyển giá thông qua việc định giá cao cho các tài sản vô hình được chuyển giao/ dịch vụ được cung cấp.
- Nhận khoản vay với lãi suất cao: Một hình thức phổ biến khác là doanh nghiệp FDI nhận khoản vay từ các bên có quan hệ liên kết với lãi suất vay vượt quá quy định thông thường.
- Giảm giá bán hàng hóa: Doanh nghiệp FDI cũng có thể chuyển giá thông qua việc áp dụng giá bán hàng hóa cho các bên có quan hệ liên kết với mức thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết, từ đó làm giảm lợi nhuận và giảm thuế tương ứng.
- Chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế TNDN và thời gian miễn, giảm thuế TNDN;
- Chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau.